- Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Số 2 Hùng Vương, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Lăng Bác) là nơi an nghỉ và lưu giữ thi hài của vị lãnh tụ vĩ đại dân tộc Việt Nam. Lăng chính thức khởi công ngày 02/09/1973 tại lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình và hoàn thành ngày 29/08/1975 với kiến trúc kiên cố, trang nghiêm, thể hiện lòng kính trọng và biết ơn của đồng bào ta đối với Bác Hồ.
Lăng có chiều cao 21,6m, mỗi cạnh rộng 30m và được xây bằng đá granite xám bên ngoài và xám đỏ đánh bóng bên trong. Quanh bốn mặt lăng là các hàng cột vuông từ đá hoa cương, phía trên lăng là mái hình tam cấp có dòng chữ “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH” bằng đá màu mận chín.
Bên cạnh Lăng là Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, như lễ tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 02/09/1945.
- Hoàng thành Thăng Long
Địa chỉ: Số 19C đường Hoàng Diệu, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
Hoàng thành Thăng Long là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của Hà Nội, đồng thời cũng là Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2010. Nằm ngay giữa lòng thành phố, Hoàng Thành Thăng Long là biểu tượng của quyền lực và tinh hoa văn hóa Việt Nam trong suốt hơn 13 thế kỷ.
Hoàng Thành Thăng Long là quần thể các di tích lịch sử ở Hà Nội. Hoàng Thành được xây dựng từ thế kỷ VII vào thời kỳ tiền Thăng Long và An Nam đô hộ phủ. Qua các triều đại Đinh – Tiền Lê, công trình dần mở rộng, phát triển mạnh mẽ dưới thời Lý, Trần, Lê và triều Nguyễn.
Khu di tích lịch sử ở Hà Nội này bao gồm nhiều công trình kiến trúc độc đáo, từ những cung điện nguy nga đến các hầm ngầm kiên cố, tất cả đều minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của nền văn hóa Đại Việt thời kỳ Lý, Trần và Lê. Đến đây du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính mà còn có cơ hội hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của đất nước thông qua các hiện vật quý giá được trưng bày.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Hoàng Thành Thăng Long trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa đất nước, chứng kiến không ít sự kiện lịch sử quan trọng.
- Văn Miếu Quốc Tử Giám
Địa chỉ: Số 58 phố Quốc Tử Giám, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội
Văn Miếu Quốc Tử Giám là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi tôn vinh Nho giáo và các bậc hiền tài của đất nước. Di tích lịch sử ở Hà Nội này được xây dựng từ năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Ban đầu, đây là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập thêm Quốc Tử Giám bên cạnh và trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Đây là nơi tổ chức các kỳ thi Hương, Hội, Đình.
Văn Miếu Quốc Tử Giám là quần thể di tích di tích lịch sử văn hóa Hà Nội và là biểu tượng cho truyền thống hiếu học, nền giáo dục lâu đời tại Việt Nam. Quần thể gồm: Hồ Văn, khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám và vườn Giám.
- Thăng Long Tứ Trấn của Kinh Thành Thăng Long xưa
Đây là bốn ngôi đền quan trọng bao quanh kinh thành Thăng Long xưa, gồm đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, đền Kim Liên và đền Voi Phục. Đây là bốn ngôi đền thờ các vị thần bảo vệ kinh thành, tượng trưng cho bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc.
– Đền Bạch Mã: Nằm ở phố Hàng Buồm, thờ thần Long Đỗ, vị thần bảo hộ phía Đông thành Thăng Long.
Địa chỉ: Số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Địa danh di tích lịch sử Hà Nội Đền Bạch Mã xây dựng từ thế kỷ IX, thờ thần Long Đỗ. Theo truyền thuyết, vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long gặp khó khăn khi xây thây thành, thần Long đỗ hóa thành ngựa dẫn đường, giúp vua hoàn thành việc xây dựng.
Sau khi hoàn thành việc dời đô, vua cho xây dựng đền Bạch Mã và phong thần Long Đỗ là Thành hoàng Quốc đô Thăng Long.
– Đền Quán Thánh: Nằm ở phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ.
Địa chỉ: Ngã tư đường Thanh Niên và Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội
Đền Quán Thánh (đền Trấn Vũ) xây dựng vào thời vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028) và thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần bảo hộ phía Bắc kinh thành. Theo truyền thuyết, Huyền Thiên Trấn Vũ có công giúp dân trừ tà, diệt yêu. Đền Trấn Vũ nổi tiếng với tượng đồng đen Huyền Thiên Trấn vũ cao 3,96m và nặng 4 tấn.
– Đền Kim Liên: Nằm ở quận Đống Đa, thờ Cao Sơn Đại Vương.
Địa chỉ: Số 144 phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội
Đền Kim Liên (đền Cao Sơn) được xây dựng vào thế kỷ XVI – XVII và là nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương. Ông là một trong 50 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, có công bảo vệ phía Nam Kinh Thành và giúp Sơn Tinh đánh bại Thủy Tinh, mang lại bình yên cho dân tộc.
– Đền Voi Phục: Nằm ở phường Ngọc Khánh, Ba Đình, thờ Linh Lang Đại Vương.
Địa chỉ: Số 362 phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội
Đền Voi Phục được xây dựng vào năm 1065 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Đền thờ Linh Lang Đại Vương, con trai vua, người có công chống giặc Tống và được sắc phong là “Thượng đẳng thần”. Tên gọi “Voi Phục” xuất phát từ hình ảnh hai con voi quỳ trước cổng đền.
- Chùa Một Cột: Kiệt tác kiến trúc và tâm linh
Địa chỉ: Phố Chùa Một Cột, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội
Chùa Một Cột (Chùa Diên Hựu, Liên Hoa Đài) là ngôi chùa nổi tiếng được xây dựng dưới triều vua Lý Thái Tông vào năm 1049. Chùa xây trên một cột đá giữa hồ Linh Chiểu tựa như một đóa hoa sen nở rộ trên mặt nước, tượng trưng cho sự thanh tịnh và cao quý của Phật pháp.
Di tích lịch sử ở Hà Nội chùa Một Cột không chỉ là nơi thờ tự Phật bà Quan Âm mà còn là điểm đến tâm linh quen thuộc của người dân thủ đô và du khách gần xa. Truyền thuyết kể rằng, chùa được xây dựng dựa theo một giấc mơ của vua Lý Thái Tông, khi ông mơ thấy Phật bà Quan Âm hiện ra trên một đài sen.
Năm 1954, thực dân Pháp đã phá hủy chùa Một Cột, toàn bộ kiến trúc cũ đều bị mất, chỉ còn phần cột trụ dưới lòng hồ Linh Chiểu và mấy xà gỗ. Đến năm 1955, chùa được khôi phục theo kiến trúc thời Nguyễn bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng.
Đến nay, chùa Một Cột là một trong những biểu tượng văn hóa và kiến trúc độc đáo, thu hút không ít du khách trong và ngoài nước khi đến Thủ đô Hà Nội.
- Di tích Thành Cổ Loa
Địa chỉ: Xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội
Thành Cổ Loa là một trong những di tích lịch sử ở Hà Nội lâu đời nhất, được xây dựng từ thời An Dương Vương vào thế kỷ III trước Công Nguyên. Đây từng là kinh đô của nước Âu Lạc, xây dựng với cấu trúc kiên cố gồm ba vòng thành bao quanh, mỗi vòng đều có hệ thống hào lũy bảo vệ. Sau kinh thành tiếp tục được sử dụng dưới thời Ngô Quyền vào thế kỷ X.
Thành Cổ Loa được xây dựng với kiến trúc độc đáo với 3 vòng thành: Ngoại thành, trung thành và nội thành theo hình xoáy ốc. Theo truyền thuyết, thành có tới 9 vòng nhưng hiện tại chỉ còn 3 vòng.
Thành Cổ Loa không chỉ là biểu tượng của sự khéo léo trong kiến trúc quân sự mà còn là nơi lưu giữ nhiều huyền thoại lịch sử, như câu chuyện về nỏ thần và mối tình giữa Mị Châu – Trọng Thủy. Tại đây còn có bảo tàng Cổ Loa, nơi trưng bày nhiều hiện vật quý giá liên quan đến thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc.
- Nhà tù Hỏa Lò – Chứng nhân lịch sử của giai đoạn kháng chiến
Địa chỉ: Số 1, phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Nhà tù Hỏa Lò (Maison Centrale) được thực dân Pháp xây dựng nhằm giam giữ các tù nhân, trong đó có rất nhiều nhà cách mạng lớn của Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương và cả phi công Mỹ.
Nhà tù được chia thành 4 khu:
Khu A và B: Dành cho phạm nhân đang được cứu xét và phạm nhân nguy hiểm.
Khu C: Dành cho phạm nhân người Pháp hoặc người ngoại quốc.
Khu D: Nơi câu cấm nạn nhân bị án tử hình chờ ngày duyệt y hoặc giảm án.
Bao quanh nhà tù là tường xây bằng đá cao 4m, dày 0,5m. Bên trên tường đá là mảnh chai, chăng dây điện cao thế.
Nhà tù Hỏa Lò ngày nay là một bảo tàng sống động, nơi bạn có thể tìm hiểu về những giai đoạn lịch sử đen tối nhưng đầy hào hùng của dân tộc Việt Nam. Các hiện vật, hình ảnh và câu chuyện từ những người tù đã từng bị giam giữ tại đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sự kiên cường, bất khuất của thế hệ cha ông ra trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.
- Cột Cờ Hà Nội
Địa chỉ: Số 28A Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội
Cột Cờ Hà Nội (Kỳ đài Hà Nội) xây dựng dưới triều vua Gia Long nhà Nguyễn năm 1806. Thân cột hình lục giác, mỗi cạnh dài 2,13m, cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên đỉnh. Trên đỉnh cột treo cờ và có thể quan sát toàn cảnh thành phố.
Công trình gồm ba tầng đế và một thân cột, tổng chiều cao khoảng 33,4m, bao gồm:
Tầng 1: Mỗi chiều 4,2m, cao 3,1m.
Tầng 2: Mỗi chiều 27m, cao 3,7m.
Tầng 3: Mỗi chiều 12,8m, cao 5,1m. Tầng có 4 cửa, trừ cửa Bắc, 3 cửa còn lại có đắp 2 chữ tùy theo hướng, gồm 迎旭 – đón nắng ban mai ở cửa Đông, 向明 – hướng về ánh sáng ở cửa Nam và 回光 – ánh sáng phản hồi ở cửa Tây.
Hiện nay, Cột Cờ Hà Nội thuộc khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
- Đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc
Địa chỉ: Hồ Hoàn Kiếm, thuộc phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Cầu Thê Húc và Đền Ngọc Sơn nằm trên hồ Hoàn Kiếm. Cả hai di tích lịch sử không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn là biểu tượng đặc trưng của Thủ đô Hà Nội.
Đền Ngọc Sơn xây dựng từ thế kỷ XIX, lúc đầu đền được gọi là chùa Ngọc Sơn sau mới đổi thành “đền” vì thờ thần Văn Xương Đế Quân và Trần Hưng Đạo.
Năm 1865, nhà nho Nguyễn Văn Siêu tu sửa đền, xây đình Trấn Ba, bắc một cầu từ bờ Đông đi vào gọi là cầu Thê Húc. Cái tên “Thê Húc” nghĩa là “nơi đậu ánh sáng mặt trời buổi sáng sớm”, biểu trưng cho sự thịnh vượng, may mắn. Đền Ngọc Sơn nằm trên đảo Ngọc giữa Hồ Hoàn Kiếm, là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của Hà Nội. Cầu Thê Húc với màu đỏ rực rỡ, dẫn bạn từ bờ hồ đến đền. Cầu không chỉ là điểm nối liền giữa đất liền và đảo Ngọc mà còn là biểu tượng của sự gắn kết và hòa hợp.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khu di tích Hà Nội cầu Thê Húc sụp đổ và được xây dựng lại bởi cụ Trương Văn Đa (Phạm Ngọc Lan).
- Phố cổ Hà Nội
Phố cổ Hà Nội với hơn 36 phố phường, là nơi phản ánh rõ nét nhất đời sống văn hóa, xã hội của người dân Hà Nội xưa. Mỗi con phố đều có một nghề truyền thống riêng, từ Hàng Bạc, Hàng Đào đến Hàng Mã, Hàng Thiếc,… Tất cả đều góp phần tạo nên một bức tranh sống động của Hà Nội cổ kính.
Đi dạo quanh Phố Cổ, bạn sẽ có cơ hội khám phá những ngôi nhà cổ kính, những cửa hàng truyền thống và thưởng thức vô vàn món ăn đặc sản như phở, bún chả, chả cá Lã Vọng, bún đậu mắm tôm… Vẻ đẹp kiến trúc và văn hòa của 36 phố phường tạo nên di tích lịch sử ở Hà Nội bạn không thể bỏ lỡ khi có dịp đến thủ đô.